Ai cũng biết bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhưng những tác hại tiềm ẩn khác của căn bệnh này thì không phải ai cũng biết. Cùng tìm hiểu tất cả những tác hại của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa chúng qua bài viết dưới đây.
1. Bệnh tiểu đường có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?
Đường huyết cao khiến hệ thống mạch máu và thần kinh trên khắp cơ thể bị tổn thương. Dần dần, người bệnh có thể gặp các biến chứng trên mắt, tim, thận, thần kinh, bàn chân… gây mù lòa, suy thận, đoạn chi, đột quỵ, thậm chí tử vong. Ngoài ra, những biến chứng trên da, nhiễm trùng, tổn thương hệ tiêu hóa, nướu – răng, hạ đường huyết, hôn mê do nhiễm toan ceton… cũng có thể xảy ra.
Biến chứng bàn chân
Biến chứng bàn chân là nguyên nhân chính dẫn đến các ca cắt cụt chi ở người tiểu đường. Tính trên toàn thế giới, cứ 30 giây lại có 1 bệnh nhân bị cắt cụt chân vì biến chứng này.
Điều đáng tiếc, tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn chân phải nhập viện điều trị tại nước ta đang có xu hướng gia tăng. Một phần do người bệnh không phát hiện mình bị biến chứng. Phần đa là do tâm lý chủ quan nghĩ rằng đường huyết ổn định là mãi mãi không bị biến chứng, chưa biết cách chăm sóc bàn chân và ngại đến bệnh viện khám định kỳ.
Biến chứng mắt
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các vấn đề về mắt, một số có thể gây mù nếu không được điều trị như bệnh võng mạc tiểu đường, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần phải kiểm tra mắt thường xuyên (ít nhất mỗi 1-2 năm/ lần). Nếu được chẩn đoán sớm, người bệnh có thể khôi phục phần nào thị lực và tránh khỏi nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.
Biến chứng thần kinh
Tác động của bệnh tiểu đường đôi với thần kinh có thể nghiêm trọng vì các dây thần kinh liên quan đến rất nhiều chức năng cơ thể của chúng ta, từ vận động và tiêu hóa đến tình dục và sinh sản. Trên thực tế, 60% đến 70% những người mắc bệnh tiểu đường sẽ mắc phải một số loại tổn thương thần kinh.
Sự hiện diện của tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh) do tiểu đường thường được nhận thấy thông qua các triệu chứng:
- Tê bì, châm chích, bỏng rát hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân
- Rối loạn cương dương, liệt dương ở nam giới. Khô âm đạo, mất kinh ở nữ giới.
- Đổ mồ hôi nhiều ở vùng mặt và thân, giảm tiết mồ hôi ở các chi, gây khô ngứa da, chai sần, dày móng, nứt nẻ ở tay, chân.
- Dạ dày tiêu hóa kém, táo lỏng thất thường
- Tim đập nhanh khi nghỉ
Đặc biệt, biến chứng này còn là tiền đề thúc đẩy sự hình thành hoặc tiến triển nặng của nhiều biến chứng khác, điển hình như loét, hoại tử khiến người bệnh phải cắt cụt một phần hoặc cả bàn chân.
Biến chứng thận
Mao mạch (mạch máu nhỏ) tại cầu thận cũng là bộ phận dễ bị tổn thương bởi đường huyết cao. Điều này có thể khiến thận bị xơ hóa và giảm khả năng lọc chất thải, nước và muối dư thừa ra khỏi cơ thể (suy thận).
Ban đầu người bệnh có thể chỉ gặp 1 vài triệu chứng khó chịu như tiểu đêm nhiều, mệt mỏi, sưng mắt cá chân… Nhưng nếu không được điều trị sớm, thận bị xơ hóa nặng (suy thận giai đoạn cuối), người bệnh buộc phải chạy thận nhân tạo cực kỳ tốn kém.
Nguy cơ gặp biến chứng thận của bệnh tiểu đường sẽ càng tăng cao nếu kiểm soát không tốt các chỉ số đường huyết, cholesterol và huyết áp. Nếu bạn phát hiện có tình trạng tiểu bọt, nước tiểu có mùi lạ, điều đó chứng tỏ có albumin niệu vi lượng hoặc lượng protein cao trong nước tiểu. Đây là dấu hiệu cho thấy thận đang hoạt động không tốt.
Biến chứng tim mạch
Theo thống kê của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người lớn mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp 2 đến 4 lần so với người lớn không mắc bệnh tiểu đường. Biến chứng tim mạch cũng là nguyên nhân chiếm 70% trên tổng số ca tử vong của người bệnh tiểu đường.
Mặc dù có những loại thuốc có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, cholesterol bất thường, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Đây cũng là lý do mà các bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh tiểu đường phải theo dõi chặt chẽ huyết áp, mỡ máu và nguy cơ tim mạch bên cạnh chỉ số đường huyết.
2. Tác hại của bệnh tiểu đường lên cuộc sống và tinh thần người bệnh
Cùng với những biến chứng, bệnh tiểu đường còn làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người mắc phải.
Nếu như trước đây, người bệnh có thể ăn mọi loại thức ăn theo ý thích thì nay họ phải đưa bản thân vào một chế độ ăn “eo hẹp” hơn. Nhiều người từng chia sẻ, việc việc ăn uống kiêng cữ từng khiến họ cảm thấy stress, nhìn thấy đồ ăn là lo lắng không biết ăn vào đường máu mình có tăng không. Dần dần họ mất tự tin và ngại tham gia các buổi giao lưu tụ tập cùng gia đình bạn bè.
Việc thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải, đi tiểu nhiều, mờ mắt, tê ngứa chân tay, hoa mắt chóng mặt… cũng khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt và làm việc. Vì mệt nên không muốn làm gì, không chăm sóc được con cháu, không kiếm được tiền, cảm thấy bản thân là gánh nặng cho gia đình. Vì mệt nên dễ cáu gắt với người thân, không muốn đi chơi, tụ tập cùng ai. Tinh thần theo đó cũng không thoải mái, bứt rứt khó chịu.
Nhiều người khi mới phát hiện bệnh còn mất ngủ vì lo sợ một mai mình sẽ bị biến chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim chết đi lúc nào không hay hoặc mù lòa, suy thận, cụt chi phải nằm một chỗ phải nhờ gia đình cơm bưng nước rót. Chưa kể đến, nỗi lo về tác dụng phụ của thuốc điều trị, đặc biệt là trên gan thận, khi dùng lâu dài cũng khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
3. Phải làm gì để phòng ngừa các tác hại do bệnh tiểu đường gây ra?
Để phòng ngừa biến chứng và giảm thiểu những nỗi lo do bệnh tiểu đường gây ra, bạn có thể áp dụng một số lời khuyên dưới đây:
Dùng thuốc đúng liều, đúng hướng dẫn
Người bệnh tiểu đường phải chấp nhận sống chung với thuốc, đó là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, để hạn chế các rủi ro do thuốc gây ra, người bệnh cần dùng thuốc đúng liều, đúng thời điểm, đúng cách mà bác sĩ đã hướng dẫn.
Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất kỳ phản ứng lạ nào, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, tuyệt đối không tự ý đổi thuốc hay giảm liều. Đặc biệt, không dùng thuốc theo đơn của người khác dù họ có cùng triệu chứng với mình. Bởi mỗi người sẽ có đặc điểm bệnh tật, cơ địa khác nhau. Bác sĩ là người hiểu rõ nhất loại thuốc nào hiệu quả và an toàn với bạn.
Áp dụng các mẹo ăn uống, sinh hoạt khoa học
Điều này vừa giúp bạn kiểm soát đường máu, tránh phải tăng liều thuốc tây, vừa giúp chế độ ăn đa dạng, ngon miệng và sinh hoạt hơn.
Mẹo 1: Ăn rau trước khi ăn cơm bởi rau có chứa chất xơ có thể làm chậm quá trình chuyển tinh bột thành đường hấp thu vào máu.
Mẹo 2: Ăn đúng giờ để cơ thể có phản xạ tiết insulin đúng vào thời điểm đường huyết dễ tăng cao nhất.
Mẹo 3: Chia nhỏ bữa ăn, thay vì chỉ ăn 3 bữa chính, hãy ăn thành 5 – 6 bữa nhỏ. Điều này sẽ giúp giảm lượng thức ăn vào bữa chính (sáng trưa tối) nhưng không bị đói cồn cào vào giữa ngày.
Mẹo 4: Chú ý vào lượng thay vì loại thực phẩm. Hiểu đơn giản, bạn không cần kiêng tuyệt đối bất cứ thực phẩm nào, nhưng nếu chúng quá ngọt hay chứa nhiều tinh bột hãy ăn với lượng ít hơn so với bình thường.
Mẹo 5: Thay thế cơm trắng bằng các loại ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch… Nhưng chú ý, không cần thiết phải thay thế hoàn toàn và khi thay thế đảm bảo lượng gạo lứt, yến mạch ăn vào không cao hơn lượng cơm trắng. Ví dụ, trước đây bạn ăn 1 bát cơm trắng, khi chuyển sang gạo lứt cũng chỉ nên ăn 1 bát. Bởi bản chất gạo lứt vẫn chứa nhiều tinh bột, nhưng vì chúng có kèm thêm chất xơ nên sẽ không làm đường máu tăng nhanh như ăn cơm trắng mà thôi.
Mẹo 6: Chọn bài tập thể dục yêu thích hoặc bắt đầu tập với cường độ thấp. Mẹo này rất hữu ích với những người bệnh chưa có thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Khi này, để tránh bỏ cuộc hoặc cảm thấy stress khi tập thể dục, bạn có thể tập mỗi lần 10 – 15 phút x 2 lần/ngày, sau đó tăng dần thời gian tập để đạt tới khuyến cáo.
Mẹo 7: Ăn trước khi uống rượu bia. Điều này sẽ hạn chế bớt tác hại của các loại đồ uống có cồn lên đường huyết của bạn. Đương nhiên, bạn vẫn cần học cách từ chối và giảm dần lượng rượu bia uống mỗi ngày.
Xem thêm
Tường tận về biến chứng tiểu đường ở chân và cách phòng tránh
Theo dõi huyết áp và mỡ máu
Mỡ máu và huyết áp ở người bệnh tiểu đường sẽ làm nguy cơ biến chứng tim mạch và thận cáo 2-3 lần so với người chỉ mắc một bệnh. Do đó, bạn cần theo dõi sát 2 chỉ số này bên cạnh đường huyết. Nếu thấy huyết áp cao, mỡ máu cholesterol cao, hãy đi khám và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Lưu ý: Thuốc huyết áp và mỡ máu cũng cần uống lâu dài như thuốc tiểu đường. Người bệnh không được tự bỏ thuốc ngay cả khi các chỉ số đã ổn định.
Bổ sung sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược
Bổ sung các sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược là một trong những giải pháp tích cực để giảm thiểu tổn thương mạch máu, thần kinh và tăng hiệu quả kiểm soát đường huyết. Bởi nghiên cứu cho thấy, nhiều thảo dược có thể bảo vệ tim, thận, mắt, thần kinh, cân bằng lại các rối loạn chuyển hóa đường – đạm – mỡ, từ đó giúp phòng ngừa biến chứng và ổn định đường huyết tốt hơn.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên chọn các sản phẩm hỗ trợ chuyên biệt cho biến chứng để cùng lúc đạt được 2 mục tiêu: kiểm soát tốt biến chứng và đưa chỉ số đường huyết về mức bình thường.
Bất kể biến chứng nào của bệnh tiểu đường cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, người bệnh tiểu đường không được chủ quan, lơ là trong kiểm soát lượng đường máu, mỡ máu, huyết áp mỗi ngày. Kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là yếu tố quan trọng giúp người bệnh phát hiện biến chứng ngay từ khi chưa có dấu hiệu cụ thể, từ đó ngăn chặn sớm những tác hại nguy hiểm của tiểu đường.
BS. Nguyễn Thị Nga