Chỉ định thay xương đùi trong điều trị ung thư xương

Xương khớp

Ung thư xương là bệnh lý ác tính hiếm gặp có thể xuất phát từ xương hoặc di căn từ các cơ quan khác trong cơ thể. Điều trị ung thư xương bao gồm sự phối hợp của các phương pháp khác nhau. Phẫu thuật điều trị ung thư xương ở tay, chân có mục đích loại bỏ khối u ác tính và phục hồi chức năng vận động của chi bị ảnh hưởng. Hầu hết người bệnh đều mong muốn được bảo tồn chi sau điều trị. Trong một số trường hợp bác sĩ điều trị sẽ quyết định phẫu thuật thay xương bằng các vật liệu nhân tạo hoặc mảnh ghép tự thân, thường thấy nhất là phẫu thuật thay xương đùi.

1. Chẩn đoán ung thư xương

Để chẩn đoán ung thư xương, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử liên quan đến các biểu hiện bất thường, triệu chứng của người bệnh và chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng.

Người bệnh có thể không có biểu hiện gì của một khối u xương, cho dù đó có phải là khối u ác tính hay không.

Ở những trường hợp này, ung thư xương có thể được tình cờ được phát hiện khi người bệnh được chụp phim X-quang vì một bệnh lý khác, chẳng hạn như bong gân. Một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng gồm:

  • Đau tại khu vực có khối u. Cảm giác đau có thể âm ỉ, kéo dài, tăng lên khi hoạt động và cơn đau có thể đánh thức người bệnh vào ban đêm.
  • Đau không liên quan đến tiền sử chấn thương.
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Sưng, phù nề quanh xương
  • Đi khập khiễng
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn, sụt cân

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng để khảo sát bệnh ung thư xương là:

  • Chụp X-quang: Phát hiện được các khối u và kích thước của chúng.
  • Chụp cắt lớp vi tính: Nhiều lát cắt qua tia X được máy tính sử dụng để dựng hình và tạo ra những hình ảnh chi tiết hơn về các xương bị ảnh hưởng.
  • Chụp MRI: Sử dụng từ trường để khảo sát và tạo hình ảnh khi chụp xương và các tổ chức xung quanh.
  • Chụp PET: Kỹ thuật viên tiêm glucose (đường) phóng xạ vào tĩnh mạch của người bệnh. Sau đó, một máy quét sẽ phát hiện ra các tế bào ung thư, nhờ vào đặc điểm tế bào ác tính sử dụng nhiều glucose hơn các tế bào thông thường.
  • Chụp xạ hình xương: Kỹ thuật viên tiêm một chất phóng xạ vào tĩnh mạch tương tự như phương pháp PET.
  • Bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm máu định lượng loại enzym có thể là dấu hiệu gợi ý của ung thư máu.
  • Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư xương được gọi là sinh thiết mô tế bào. Bác sĩ lấy mẫu mô từ khối u bằng kim hoặc qua phẫu thuật. Sau đó, tiến hành giải phẫu bệnh sẽ đánh giá, xem xét mô hoặc tế bào dưới kính hiển vi và kết luận khối u của bạn là lành tính hay ung thư nguyên phát hay ung thư thứ phát.

2. Tổng quan về các phương pháp điều trị ung thư xương

Nếu một khối u xương là lành tính, bác sĩ sẽ điều trị nó bằng thuốc hoặc có thể chỉ theo dõi để đánh giá những thay đổi của khối u. Bác sĩ có thể chỉ loại bỏ các khối u lành tính có nhiều khả năng lây lan và xâm lấn lên các mô xung quanh hoặc trở thành ung thư. Trong một số trường hợp, các khối u tái phát trở lại, ngay cả sau khi điều trị.

Ngược lại, khi các khối u được chẩn đoán xác định là ung thư cần được điều trị và chăm sóc tích cực hơn từ các bác sĩ chuyên khoa. Kế hoạch điều trị của mỗi người bệnh rất khác nhau, sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ lây lan của nó, và giai đoạn của bệnh ung thư xương. Các tế bào ung thư chỉ có trong khối u xương và khu vực xung quanh khi đang ở giai đoạn “khu trú”. Vào giai đoạn sau, khi khối u di căn đến các vùng khác trên cơ thể, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn.

Các phương pháp điều trị ung thư xương phổ biến bao gồm:

Phẫu thuật bảo tồn chi: Bác sĩ sẽ loại bỏ phần xương bị ung thư nhưng không loại bỏ các cơ, gân hoặc các mô khác xung quanh đó. Lúc này, bác sĩ có thể tiến hành thay xương bằng một bộ cấy ghép kim loại vào vị trí của xương. Phẫu thuật thay xương đùi bảo tồn chi là một trong những chỉ định khá phổ biến của phương pháp này.

Phẫu thuật cắt cụt chi: Nếu một khối u có kích thước lớn hoặc xâm lấn đến các dây thần kinh và mạch máu, bác sĩ có thể quyết định cắt bỏ chi. Sau đó người bệnh có thể được lắp chân tay giả sau đó.

Xạ trị: Phương pháp này có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ kích thước các khối u bằng tia X mạnh. Các bác sĩ thường kết hợp phương pháp này cùng với phẫu thuật.

Hóa trị liệu: Phương pháp điều trị ung thư xương này có khả năng tiêu diệt các tế bào ác tính bằng thuốc. Bác sĩ có thể sử dụng hóa trị hỗ trợ trước khi phẫu thuật, sau khi phẫu thuật hoặc áp dụng cho bệnh ung thư đã di căn.

Liệu pháp điều trị trúng đích: Phương pháp điều trị tiên tiến sử dụng thuốc tập trung nhắm vào một số thay đổi về di truyền, protein hoặc các thay đổi khác trong hoặc xung quanh các tế bào ung thư. Người bệnh có thể muốn tham gia các thử nghiệm lâm sàng để thử nghiệm các phương pháp điều trị ung thư xương mới dưới sự tư vấn của bác sĩ.

Nhìn chung, các phương pháp điều trị này có thể gây ra các biến chứng liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, não, thính giác, xương hoặc khả năng sinh sản theo thời gian. Điều quan trọng là phải đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên với bác sĩ để theo dõi những biến chứng này và để đảm bảo ung thư xương không tái phát. Sự phục hồi của người bệnh sau ung thư xương phụ thuộc vào loại ung thư xương và giai đoạn của nó tại thời điểm chẩn đoán. Nhìn chung, hơn 75% những người mắc bệnh ung thư xương sống ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán.

3. Chỉ định thay xương đùi trong điều trị ung thư xương

Phẫu thuật thay xương đùi là một phẫu thuật phức tạp, yêu cầu phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm. Theo các nhà điều tra của một nghiên cứu được công bố gần đây, phẫu thuật thay xương toàn bộ có tỷ lệ thất bại khá cao vì vậy chỉ định phẫu thuật thay xương đùi chỉ nên thực hiện khi không lựa chọn được các phương pháp khác.

Phẫu thuật thay xương đùi toàn bộ bằng nội soi là một phẫu thuật có ít chỉ định, chủ yếu là các trường hợp có khối u xương ác tính ảnh hưởng đến hầu hết xương đùi, kèm theo sự thất bại trong tạo hình khớp háng và khớp gối toàn bộ một bên. Các kết quả sau phẫu thuật này đang ngày càng được quan tâm và khảo sát nhiều hơn. Điều này có ích cho việc quyết định chỉ định phẫu thuật của bác sĩ điều trị và người bệnh.

Trong một nghiên cứu thuần tập hồi cứu, các nhà nghiên cứu đã đánh giá thông tin về 166 bệnh nhân được phẫu thuật nội soi thay xương đùi toàn bộ cho các chỉ định điều trị ung thư và chỉnh hình khớp. Họ đã phân tích các thất bại của phẫu thuật và cách dự đoán thất bại bằng việc sử dụng hồi quy logistic hai biến và một mô hình đa biến.

Thất bại của phẫu thuật này toàn bộ xảy ra ở 27% bệnh nhân, với 23% xảy ra ở phẫu thuật thay xương đùi sơ cấp và 33% xảy ra ở phẫu thuật sửa đổi. Sự khác biệt này không có ý nghĩa trong phân tích hai biến nhưng lại có ý nghĩa trong phân tích đa biến.

Việc bảo tồn chi bằng phẫu thuật thay xương đùi có tỷ lệ thất bại cao và có khuynh hướng xuất hiện biến chứng nhiễm trùng sâu, đặc biệt là trong việc thiết lập các chỉ định sửa đổi và nhiễm trùng trước đó … dẫn đến cắt cụt chi. Cần thêm nhiều dữ liệu để làm rõ hơn nguy cơ thất bại và thực hành tốt nhất cho những bệnh nhân được phẫu thuật thay xương đùi toàn bộ với nội soi.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *