Hoại tử chỏm xương đùi là một bệnh lý khớp háng gây tàn phế, xảy ra ở những người tương đối trẻ. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường cảm thấy đau ở khớp gối chứ không phải khớp háng. Vì vậy, rất dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm lẫn và bỏ sót bệnh lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu những triệu chứng của bệnh và các phương pháp điều trị hiện nay.
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là một quá trình bệnh lý xảy ra do thiếu máu nuôi chỏm xương đùi. Đây là hậu quả của chấn thương hoặc không chấn thương làm tổn thương đến hệ thống mạch máu của chỏm xương đùi. Sự thiếu máu gây chết các tế bào tủy xương và tế bào tạo xương, từ đó dẫn đến sự biến dạng của chỏm xương đùi.
Bệnh ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở tuổi từ 40 đến 65 tuổi và gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới.
Các phương pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi không phẫu thuật như sử dụng thuốc, dùng nạng, nghỉ ngơi, hạn chế vận động, các bài tập vận động, kích thích điện để phát triển xương mới,… có thể giúp giảm đau và làm chậm quá trình phát triển bệnh, nhưng lựa chọn cuối cùng vẫn là phẫu thuật. Bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi nếu đến khám ở giai đoạn sớm (trước khi chỏm xương đùi biến dạng) sẽ có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp bảo tồn được chỏm xương đùi.
- Điều trị bảo tồn
Kết quả thường rất kém. Người ta vẫn chưa hiểu được diễn tiến của bệnh nhưng thông thường, sau 2 năm, 85% chỏm sẽ bị lún.
- Điều trị bằng thuốc
Các thuốc giãn mạch, chống hủy xương, chống rối loạn chuyển hoá lipid đã được sử dụng nhưng hiệu quả rất thấp.
- Điều trị bằng kích thích điện
Kích thích điện làm tăng khả năng sinh xương và tân tạo mạch máu. Các nghiên cứu lâm sàng theo dõi hàng loạt ca cho kết quả khoảng hơn 80% duy trì được hình dạng chỏm. Tuy nhiên, phương pháp này chưa phổ biến vì chưa xác định được liều và thời gian điều trị. Phương pháp này hay dùng chung với các phương pháp khác.
- Điều trị phẫu thuật
Khoan giải áp chỏm xương đùi: Lấy một phần lõi của xương, kích thích mọc xương lành và mạch máu mới.
Ghép xương mác có cuống mạch.
Tạo lại hình dạng của xương (đục xương sửa trục): Lấy bỏ một mẩu xương hình nêm phía trên hay phía dưới nơi khớp xương chịu trọng lượng của cơ thể, giúp giảm gánh nặng cho xương bị tổn thương. Can thiệp này có thể giúp lùi lại việc thay khớp.
Thay khớp háng nhân tạo: Nếu chỏm xương đã bị xẹp thì phải mổ thay bằng các bộ phận chất tổng hợp hay kim loại. Đây là phương pháp cuối cùng giúp bệnh nhân có thể đi lại không đau. Nhược điểm của phương pháp này là thời gian sống còn của khớp nhân tạo ngắn, người càng trẻ càng dễ bị hư khớp sớm. Phương pháp này chỉ nên áp dụng ở giai đoạn muộn khi mọi phương pháp khác đã thất bại.